Triệu chứng lâm sàng bệnh ghẻ Sarcoptes Scabiei
- 20/11/2020 - 03:01:47 PM
- 3392
Triệu chứng lâm sàng bệnh ghẻ Sarcoptes Scabiei
Cái ghẻ Sarcoptes scabiei là loài mạt có kích thước rất nhỏ chỉ có thể quan sát được dưới kính hiển vi. Có nhiều loài Sarcoptes scabiei ký sinh ở nhiều loại ký chủ khác nhau: người, động vật hữu nhũ nuôi và hoang dã, khó phân biệt khi quan sát hình thể với kính hiển vi quang học. Đa số tác giả dựa trên ký chủ chuyên biệt và phân tích DNA để xác định tên cái ghẻ như Sarcoptes scabiei var homoni (ký sinh ở người), Sarcoptes scabiei var equi (ký sinh ở ngựa), Sarcoptes scabiei var ovis (ký sinh ở trâu, bò)...
Bệnh ghẻ có thể gây thành một dịch lớn. Khoảng năm 1975, Việt Nam có một trận dịch ghẻ lớn, xảy ra ở nhiều tỉnh thành.
Triệu chứng lâm sàng
Bệnh ghẻ thường
Triệu chứng đầu tiên thường xảy ra vài ngày hay vài tuần sau khi bị lây nhiễm. Ba dấu hiệu lâm sàng đặc trưng của bệnh cái ghẻ là:
Ngứa thường vào ban đêm, có tính gia đình, tập thể. Ngứa có thể ở khắp nơi trên cơ thể trừ đầu, mặt và cổ. Thường ngứa nhiều, giã làm nhiễm trùng phụ.
Những đường hầm đặc trưng hơi gồ, dài 3-15 mm, thường ở ngón tay, cổ tay, chân trẻ sơ sinh.
Mụn nước trong, hơi lồi thường ở kẽ ngón tay.
Các vị trí đặc biệt của sự tổn thương là một sự gợi ý rất rõ cho bệnh ghẻ: kẻ ngón tay, nếp gấp ở mặt trong của cổ tay, cánh tay, phía trước nách, thắt lưng, quanh rốn, quanh cơ quan sinh dục, vú, mông, dương vật.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể có sang thương trên khắp thân, đặc biệt khác với người lớn, sang thương ghẻ có thể có ở mặt, đầu, cổ, lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Biến chứng viêm cầu thận do ghẻ cũng đã được báo cáo vào trong y văn.
Bệnh ghẻ sừng hay ghẻ Na Uy
Được xem như là một bệnh cơ hội gây nên do Sarcoptes scabiei. Bệnh thường xảy ra trên những người già, người bị suy giảm miễn dịch, bệnh nhân HIV/AIDS hoặc những người sống trong cơ sở từ thiện, tập thể. Bệnh có biểu hiện ngoài da là giống như những mụn cóc, lớp sừng dày trên da có thể thấy ở khắp thân. Sang thương thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vai, lưng, đùi, cùi chỏ, đầu gối. Móng tay thường dày lên và bị biến màu.
Bệnh ghẻ sừng bị nhiều cái ghẻ ký sinh, có thể đến hàng triệu con nhưng khác với bệnh ghẻ thường, bệnh ghẻ sừng không ngứa hoặc ít ngứa.
Xét nghiệm
Cạo da nơi có đường hầm, ở kẽ ngón tay, mặt trong nếp gấp cổ tay là tốt nhất để thu thập cái ghẻ cái.
Dùng mũi kim hay mũi nhọn của dao mổ bắt cái ghẻ ở cuối đường hầm.
Dán băng keo trong lên trên sang thương ghẻ không phải là phương pháp thu thập cái ghẻ có hiệu quả.
Quan sát cái ghẻ trên kính hiển vi với một giọt glycerin sẽ giúp nhìn thấy cái ghẻ rõ hơn, có thể quan sát với KOH 10-20%.
Điều trị
Điều trị ghẻ phải làm song song hai việc: điều trị người bệnh và cả người trong nhà, tập thể cùng mắc bệnh; trước khi điều trị 3 ngày cần tổng vệ sinh quần, áo, chăn, mền, chiếu,...
Điều trị đòi hỏi phải kiên trì cho đến khi chắc chắn đã hết bệnh.
Thuốc điều trị: kem Permethrin 5%, dung dịch thoa Crotamiton 10% và kem Crotamiton 10%. Ivermectin dùng uống.
- Có thể bạn quan tâm
- Đại Cương Về Động Vật Chân Khớp Y Học
10915
- Viêm da do sán máng Schistosome
2304
- Những dấu hiệu mắc phải bệnh ký sinh trùng Toxoplasma
2373
- Triệu chứng ngứa mu bàn chân do nhiễm ký sinh trùng
7289
- Thường xuyên bị chóng mặt là bệnh gì?
2912
- Tại sao lại nhiễm bệnh giun móc
2875
- Bệnh giun tóc
2516
- Bệnh giun đũa: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
6509
- Phân vùng dịch tễ sốt rét và thực hành tại Việt Nam
5458
- Bệnh Ký Sinh Trùng Mèo Toxoplasma Gondii Có Nguy Hiểm Không
7205