Chẩn đoán và điều trị bệnh giun móc
- 06/01/2021 - 03:37:22 PM
- 3416
Chẩn đoán và điều trị bệnh giun móc
Giun móc thường gặp ở vùng có khí hậu nóng ẩm. Có hai loại giun móc Ancylostoma dudenale và Necator americanus ký sinh ở ruột non của người gây thiếu máu, đặc biệt là ở trẻ em và phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Chẩn đoán bệnh bằng cách xét nghiệm phân tìm trứng giun.
Biểu hiện lâm sàng:
Giai đoạn ấu trùng xuyên qua da
Ngứa là triệu chứng đầu tiên xuất hiện, mức độ nhiều hay ít dựa vào số lượng ấu trùng, nếu bệnh nhân gãi nhiều có thể bị bội nhiễm kèm theo. Sang thương là các nốt sẩn ngứa, mụn nước ở kẽ ngón tay, kẽ ngón chân, mu bàn chân kéo dài khoảng 3 đến 4 ngày rồi tự nhiên khỏi.
Giai đoạn qua phổi
Tình trạng viêm phổi do giai đoạn ấu trùng giun di chuyển có thể có những triệu chứng tương tự như hen suyễn, viêm phế quản, hội chứng Loeffler không rõ như trường hợp nhiễm giun đũa.
Giai đoạn ở ruột
Biểu hiện bởi những triệu chứng rối loạn tiêu hóa nhẹ, chủ yếu là thiếu máu. Nguyên nhân thiếu máu là do giun trường thành hút máu của kí chủ, bên cạnh đó còn có một sự chảy máu rỉ rã có thể là do giun tiết chất kháng đông tại vị trí bám. Bệnh nhân nhiễm Ancylostoma dudenale thường gây mất máu nhiều hơn so với nhiễm Necator americanus.

Triệu chứng cấp tính tùy thuộc vào số lượng giun, biểu hiện bởi tình trạng mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, đi cầu phân đỏ hay phân đen, suy nhược và xanh xao. Một số trường hợp nhiễm giun nặng ở trẻ nhỏ có thể để lại di chứng, thậm chí dẫn tới tử vong.
Nhiễm giun mạn tính thường có dấu hiệu thiếu máu, thiếu sắt với bệnh cảnh xanh xao, mệt mỏi, phù mặt, phù chân, nhiều trường hợp Hemoglobin giảm < 5g/dl, có thể có bóng tim to, chậm phát triển thể chất và tinh thần.
Chẩn đoán bệnh:
Chẩn đoán nhiễm giun móc chủ yếu dựa vào phương pháp soi phân tìm trứng.
Công thức máu: biểu hiện tình trạng thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc kèm theo tăng bạch cầu ái toan.
Trường hợp nhiễm ít có thể làm phương pháp tập trung như Wills hoặc Kato-Katz.
Cấy phân thường dùng để chẩn đoán phân biệt giun móc (phân biệt với giun lươn).
Điều trị bệnh:
Nguyên tắc: vừa tẩy giun vừa bồi hoàn sắt đã mất và nâng cao chế độ dinh dưỡng.
Pyrantel pamoate 20mg/kg/ngày x 3 ngày liên tiếp.
Mebendazole 100mg x 2 lần/ ngày x 3 ngày liên tiếp.
Mebendazole 500mg liều duy nhất.
Albendazole 400mg liều duy nhất (được khuyến cáo sử dụng).
Trường hợp nhiễm nặng nên xét nghiệm kiểm tra phân sau hai tuần.
Cách dự phòng:
Phát hiện bệnh và điều trị.
Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi, ủ phân kỷ trước khi bón hoa màu, mang ủng, đeo găng tay khi tiếp xúc với đất.
Giáo dục sức khỏe, điều trị hầu hết cho những cộng đồng có tỷ lệ nhiễm cao.
Rắc vôi sau mỗi vụ mùa.
- Có thể bạn quan tâm
- Đại Cương Về Động Vật Chân Khớp Y Học5520
- Viêm da do sán máng Schistosome 1370
- Sưng môi sưng mắt do ký sinh trùng lạ2483
- Triệu chứng lâm sàng bệnh ghẻ Sarcoptes Scabiei2624
- Những dấu hiệu mắc phải bệnh ký sinh trùng Toxoplasma1608
- Triệu chứng ngứa mu bàn chân do nhiễm ký sinh trùng6041
- Thường xuyên bị chóng mặt là bệnh gì?2092
- Sử Dụng Kính Áp Tròng Đúng Cách Phòng Chống Bệnh Ký Sinh Trùng 1296
- Bệnh giun móc: tác nhân gây bệnh giun móc là gì6213
- Tại sao lại nhiễm bệnh giun móc2020